Binh sĩ Nga đứng cạnh hệ thống tên lửa chiến lược "Yars" có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh Shutterstock
Theo Responsible Statecraft, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp diễn ở năm thứ 3 với hàng trăm nghìn thương vong ở cả hai bên tham chiến.
Trong suốt thời gian này, phương Tây đã khơi dậy hy vọng của Ukraine – bằng nguồn tài trợ tài chính cũng như vũ khí ngày càng tối tân, các cố vấn, huấn luyện viên quân sự – rằng, nước này có thể đánh bại Nga và khôi phục biên giới của nước này như trước năm 2014. Nhưng đó là một kết quả tưởng tượng khó có thể xảy ra, các chuyên gia phân tích Peter Kuznick - Giáo sư lịch sử kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân tại Đại học Mỹ ở Washington, DC và Ivana Nikolić Hughes - Chủ tịch của Quỹ Hòa bình Thời đại Hạt nhân (Nuclear Age Peace Foundation) bình luận.
Theo 2 nhà phân tích trên, các nhà lãnh đạo phương Tây còn phạm sai lầm khi lập luận rằng, nếu Tổng thống Putin không bị đánh bại ở Ukraine, Nga sẽ tấn công cả châu Âu, bắt đầu từ Ba Lan và vùng Baltic. Không chỉ không có bằng chứng nào ủng hộ cho lập luận này, mà quan điểm cho rằng, một nước Nga vốn còn chưa chắc đã đánh bại được Ukraine sẽ đi gây chiến với NATO rõ ràng rất thiếu logic.
Tuy nhiên, tất cả những lập luận trên đã thúc đẩy Washington, NATO chi tiêu nhiều hơn cho “quốc phòng”, làm giàu thêm cho các nhà sản xuất vũ khí. Đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thông báo về việc tăng 18% chi tiêu quân sự trên khắp châu Âu và Canada vào năm 2024, “mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ”. 2/3 ngân sách quân sự kếch xù trên được cho là sẽ thuộc về các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.
Trong khi đó, Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân cũng thông báo rằng, chi tiêu toàn cầu cho vũ khí hạt nhân đã tăng 13%vào năm 2023, trong đó Mỹ một lần nữa dẫn đầu. Chi tiêu cho vũ khí hạt nhân trong 5 năm qua của Mỹ đã tăng 45%, theo sau là Vương quốc Anh với 43%.
Khi các nhà lãnh đạo NATO nhận ra rằng, chỉ đổ thêm tiền vào Ukraine sẽ là không đủ để giúp Kiev lật ngược tình thế, đánh bại Nga, họ đã tìm ra những cách khác, nguy hiểm hơn và làm leo thang căng thẳng trong những tuần gần đây.
Họ không chỉ cho phép Ukraine tấn công các địa điểm bên trong nước Nga bằng vũ khí tiên tiến của họ mà còn hỗ trợ các cuộc tấn công đó. Thậm chí, họ cũng công khai thảo luận về việc gửi binh lính NATO, huấn luyện viên tới Ukraine.
Các cuộc tấn công gần đây vào 2 cơ sở radar cảnh báo hạt nhân của Nga đặc biệt vô trách nhiệm, đưa thế giới đến gần hơn không chỉ chiến tranh toàn diện mà còn chiến tranh hạt nhân, 2 chuyên gia Peter Kuznick và Ivana Nikolić Hughes nhận định.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Tổng thư ký NATO Stoltenberg gần đây thậm chí còn tuyên bố trên tờ Telegraph rằng, NATO đang tranh luận về việc đưa thêm vũ khí hạt nhân ra khỏi kho và đặt chúng ở chế độ chờ để chuẩn bị cho mọi tình huống bất trắc.
Nga đã phản ứng với những leo thang này bằng một loạt cảnh báo rõ ràng về nguy cơ xung đột leo thang và mở rộng hơn. Điện Kremlin cũng tiến hành các cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân chiến thuật để gửi cảnh báo nghiêm khắc tới "những cái đầu nóng ở các thủ đô phương Tây", khiến họ nhận thức được "những hậu quả thảm khốc tiềm tàng" từ những rủi ro chiến lược mà họ đang tạo ra. Tổng thống Putin thậm chí đến thăm Triều Tiên và ký hiệp ước “an ninh chung” với Bình Nhưỡng, cam kết cả hai quốc gia có vũ khí hạt nhân sẽ bảo vệ nhau nếu bị tấn công.
Những diễn biến này cho thấy, việc kéo dài chiến tranh Ukraine chính là đang đùa giỡn với thảm họa hạt nhân và làm tăng tính cấp bách của việc phải tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Ukraine, các chuyên gia phân tích nhấn mạnh.
Mối lo ngại rằng Nga có thể quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy bị đe dọa hoặc gặp thất bại ở Donbass hoặc Crimea hoặc trong một cuộc chiến tranh trực tiếp với NATO không nên bị xem nhẹ.
Mặt khác, một cuộc chiến tranh thông thường giữa Nga và NATO cũng có thể biến thành chiến tranh hạt nhân.
Điều này có thể dễ dàng nảy sinh do chính sách “khởi động vũ khí hạt nhân khi có cảnh báo” mà cả Nga và Mỹ đều áp dụng. Hơn nữa, cả Mỹ và Nga đều không có “chính sách không sử dụng trước” vũ khí hạt nhân trong một cuộc khủng hoảng, khiến khả năng tính toán sai lầm dễ xảy ra hơn.
Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, đã đến lúc phải thay đổi chính sách đối với Ukraine và ngăn chặn sự leo thang trước khi quá muộn. Một hội nghị hòa bình của Thụy Sĩ không có Nga hoặc Trung Quốc tham gia đã thất bại để thúc đẩy mục tiêu đó.
Tuy nhiên, Brazil và Trung Quốc gần đây đã đưa ra một tuyên bố chung nhấn mạnh rằng, "đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine".
Họ cũng đã đưa ra một kế hoạch 6 điểm để thúc đẩy hòa bình bao gồm "không mở rộng chiến trường, không leo thang chiến sự và không có hành động khiêu khích nào nữa". Trung Quốc cho biết đề xuất này hiện đã nhận được sự ủng hộ từ ít nhất 45 quốc gia.
Đó là một khởi đầu tốt để thực hiện, 2 chuyên gia Peter Kuznick và Ivana Nikolić Hughes nhấn mạnh. Ngoài ra theo họ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng có thể triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo thế giới để thúc đẩy việc chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine bởi việc tiếp tục trò chơi hạt nhân là một con đường không thể chấp nhận được.